Hậu chiến Chiến_tranh_Thanh-Nhật

Chiến thắng của Nhật Bản trong chiến tranh là kết quả của hai thập kỷ nỗ lực công nghiệp hóa và hiện đại hóa trước đó. Chiến tranh thể hiện sự vượt trội của chiến thuật và huấn luyện của người Nhật nhờ áp dụng kiểu quân sự Tây phương. Lục quân và Hải quân Đế quốc Nhật Bản có thể giáng cho quân Thanh hàng loạt thất bại qua tầm nhìn xa, tính nhẫn nại, chiến lược và sức mạnh tổ chức. Uy thế của nước Nhật tăng lên trong mắt quốc tế. Chiến thắng này đánh dấu việc Nhật Bản vươn lên thành một thế lực trong khu vực (nếu không phải là một cường quốc) theo nghĩa tương đương với phương Tây và là thế lực thống trị ở Á Đông.[3]

Tại quận Sa Thị, nay thuộc Hồ Bắc (Trung Quốc), sau khi chiến tranh Thanh – Nhật kết thúc không lâu, một quan ngoại giao người Nhật tên là Horiguchi đã theo Hiệp ước tới nơi đây để chọn vị trí mở lãnh sự quán. Thế nhưng khi đặt chân tới thành trì này, Horiguchi mới phát hiện ra rằng: Toàn bộ quan lại Thanh triều ở Sa Thị hoàn toàn không một ai biết về cuộc chiến tranh Thanh – Nhật vừa mới diễn ra. Trên thực tế, nhà Thanh lúc bấy giờ đã từng phát hành một tờ báo dành riêng cho quan lại, mục đích là để quan chức từ trung ương tới địa phương đều nắm rõ mọi tình hình xảy ra trong nước. Thế nhưng quan lại ở Sa Thị lại không hề biết tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn vừa mới xảy ra cách đó không lâu. Điều này chứng tỏ những quan lại địa phương này từ lâu đã chẳng còn màng tới sự an nguy của xã tắc nước nhà. Đây có lẽ là một trong những điềm báo rõ nhất phản ánh sự suy đồi, kém cỏi của tầng lớp thống trị Mãn Thanh thời bấy giờ.

Các nước phương Tây thấy sự yếu kém của nhà Thanh nên sau đó cũng tham gia xâu xé Trung Quốc. Trước tiên là Đế quốc Đức mượn cớ hai Giáo sĩ truyền đạo bị giết ở Sơn Đông, xuất binh chiếm lĩnh vịnh Giao Châu. Một tháng sau, nước Nga lại xuất binh chiếm lĩnh Đại Liên và cảng Lữ Thuận, khống chế vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nước Pháp thì đem quân tới Vân Nam và Lưỡng Quảng; Nhật Bản lại chiếm cứ Phúc Kiến; nước Anh lại cưỡng bức phải cho thuê cảng, mở rộng phạm vi quản lý Cửu Long. Trong vài năm, đế quốc Đại Thanh liên tiếp bị mất đất.

Cuộc chiến cũng đã hé lộ sự thiếu hiệu quả của triều đình, các chính sách, sự tham nhũng trong hệ thống hành chính và sự mục nát của nhà Thanh (điều đã được nhận rõ từ hàng thập kỷ trước đó). Tình cảm bài ngoại công khai tăng lên và sau này lên tới đỉnh điểm trong cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn 5 năm sau đó. Trong suốt thế kỷ 19, nhà Thanh không thể ngăn ngừa được sự xâm phạm lãnh thổ của nước ngoài—điều này cùng với lời kêu gọi cải cách và nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn sẽ là nhân tố chủ chốt dẫn đến cuộc cách mạng năm 1911 và sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1912.

Mặc dù Nhật Bản đã đạt được điều mình mong muốn, cụ thể là chấm dứt ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên, Nhật miễn cưỡng phải trả lại bán đảo Liêu Đông (Lữ Thuận) để đổi lấy sự bồi thường tài chính lớn hơn. Các cường quốc phương Tây (đặc biệt là Nga) trong khi không có mục đích nào với các điều khoản của hiệp ước, cảm thấy rằng nước Nhật không nên có được cảng Arthur, vì chính họ cũng có tham vọng với khu vực này của thế giới. Nga thuyết phục Đức và Pháp cùng với họ tạo áp lực ngoại giao với Nhật, dẫn đến cuộc Tam Cường can thiệp ngày 23 tháng 4 1895.

Năm 1898 Nga ký hợp đồng thuê bán đảo Liêu Đông trong vòng 25 năm và tiếp đó xây dựng một trạm hải quân tại cảng Lữ Thuận. Mặc dù việc này làm người Nhật tức điên, họ vẫn lo ngại với sự xâm lấn của nước Nga đến Triều Tiên hơn là đến Mãn Châu Lý. Các cường quốc khác, ví dụ như Pháp, Đức và Anh, lợi dụng tình hình của Trung Quốc mà nhận được các nhượng bộ về bến cảng và thương mại trả giá bằng sự suy tàn của nhà Thanh. Thanh ĐảoGiao Châu nhượng lại cho Đức, Vịnh Quảng Châu cho Pháp, và Uy Hải Vệ cho Anh.

Căng thẳng giữa Nga và Nhật leo thang trong những năm sau chiến tranh Trung-Nhật. Trong cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn Liên quân 8 nước được cử đến để đàn áp cuộc nổi dậy; Nga cử quân đội tiến vào Mãn Châu Lý như là một phần của liên quân. Sau khi đánh bại Nghĩa Hòa Đoàn, chính phủ Nga quyết định bỏ trống vùng này. Tuy vậy, cho đến năm 1903, họ thực tế lại tăng số lượng quân tại đây. Đàm phán giữa hai quốc gia (1901–1904) để thiết lập sự công nhận lẫn nhau về phạm vi ảnh hưởng (Nga với Mãn Châu Lý và Nhật với Triều tiên) liên tục bị người Nga làm cho đình đốn một cách có chủ đích. Họ cảm thấy rằng họ có đủ sức mạnh và sự tự tin để không chấp nhận bầy kỳ một sự thương lượng nào và tin rằng Nhật Bản sẽ không dám khai chiến với một cường quốc Âu Châu. Nga cũng có ý định sử dụng Mãn Châu Lý làm bàn đạp để mở rộng hơn nữa lợi ích của mình tại vùng Viễn Đông.

Năm 1902, Nhật Bản lập liên minh với Anh, các điều khoản của liên minh này chỉ rõ nếu Nhật Bản tham chiến tại Viễn Đông, và một cường quốc thứ ba tham chiến chống Nhật Bản, Anh quốc sẽ đến cứu viện người Nhật. Điều này có tác dụng ngăng cản cả Đức lẫn Pháp có bất kỳ một can thiệp quân sự nào trong cuộc chiến tương lai với Nga. Lý do của người Anh khi tham gia liên minh này cũng là để ngăn chặn việc nước Nga mở rộng ảnh hưởng xuống Thái Bình Dương, qua đó đe dọa các lợi ích của nước Anh.

Căng thẳng gia tăng giữa Nhật và Nga là kết quả của việc Nga không muốn tham gia thương thuyết và triển vọng Triều Tiên sẽ rơi vào tay người Nga, vì thế sẽ làm xói mòn các lợi ích của nước Nhật, từ đó, nước Nhật buộc phải hành động. Điều này là nhân tố quyết định và chất xúc tác để dẫn đến cuộc Chiến tranh Nga-Nhật (1904–05).